Tìm sóng vô tuyến để phát hiện người ngoài hành tinh
Kính viễn vọng ATA của SETI săn tìm tần số vô tuyến từ người ngoài hành tinh.
Theo Live Science, Edward Snowden, người nổi tiếng thế giới với việc tiết lộ bí mật của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, cho rằng con người không thể hiểu được các thông điệp ngoài hành tinh vì chúng đã được mã hóa.
Tuy nhiên, các nhà khoa học viện công nghệ SETI chuyên tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ bác bỏ luận điểm trên, cho rằng các cuộc tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái Đất không tập trung vào giải mã các tín hiệu có thể hiểu được.
"Chúng tôi không tìm kiếm thông điệp, mà là các tín hiệu cho thấy ai đó có một máy phát sóng", Seth Shostak, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu thuộc viện công nghệ SETI cho biết hôm 23/9.
Snowden chủ yếu nói về phần mã hóa, theo Shostak, mã hóa dữ liệu chỉ là một yếu tố phụ. Mọi cuộc tìm kiếm các tín hiệu ngoài hành tinh từ trước tới nay đều sử dụng sóng vô tuyến.
Trên lý thuyết thì đây là cách dễ dàng và rẻ tiền nhất để truyền tín hiệu đi xa trong không gian. SETI sử dụng các kính thiên văn vô tuyến rất mạnh để tìm kiếm những tín hiệu dải tần hẹp, hoặc tín hiệu tập trung vào một tần số duy nhất.
Rất nhiều vật tự nhiên có thể phát ra các tín hiệu vô tuyến dạng nhiễu, nhưng chỉ có máy phát vô tuyến mới có thể phát ra các tín hiệu dải tần hẹp, theo lý thuyết mới nhất.
Vì thế nếu bắt được tín hiệu dạng này, chắc chắn nó phải được gửi đi từ một máy phát vô tuyến do ai đó tạo ra, dù thông điệp chứa trong đó bị mã hóa chưa đọc được.
Snowden đề cập đến giả thuyết con người có thể "nghe lén" được các tín hiệu từ các thiết bị truyền thông của người ngoài hành tinh thì cũng không thể hiểu do chúng sẽ như "vô hình" trong vô số các tín hiệu vô tuyến của vũ trụ.
Tuy nhiên, Shostak bác bỏ nhận định này. Theo ông, bất kỳ tín hiệu phát sóng nào cũng sẽ có các thành phần dải tần hẹp mà con người có thể nhận ra.
Vấn đề khó khăn hiện nay, là các công nghệ chưa thể phát hiện những tín hiệu ở khoảng cách quá xa, theo Doug Vakoch, nhà nghiên cứu thuộc SETI phụ trách liên lạc với người ngoài hành tinh cho biết.
"Ngay cả tín hiệu vô tuyến và truyền hình của chúng ta phát ra ngoài không gian cũng không thể phát hiện được từ một hệ sao khác gần chúng ta nhất, Vakoch nói.
Trong vài trăm năm tới, công nghệ có thể phát triển để tăng được khoảng cách thu nhận tín hiệu. Nói cách khác, phỏng đoán của Snowden về mã hóa chỉ có ý nghĩa khi vấn đề thu nhận tín hiệu từ xa được giải quyết. Ngoài ra, mã hóa cũng không phải thách thức lớn nhất nếu muốn "nghe lén".
"Nếu một nền văn minh nào đó muốn che giấu sự hiện diện của mình, họ không cần thiết phải lo về việc mã hóa", Vakoch nói. "Với công nghệ viễn thông phát triển như ngày nay, chúng ta đã để quá nhiều tín hiệu lọt ra ngoài không gian. Hiện nay, việc sử dụng cáp quang hoặc vệ tinh viễn thông mới hạn chế được sự mất mát tín hiệu này".
Vì thế, nếu một nền văn minh khác muốn tìm hiểu chúng ra, họ đã thu nhận được các tín hiệu từ Trái Đất và gửi tín hiệu của họ đi trong hàng ngàn hoặc thậm chí hàng triệu năm qua.
Nếu điều này không xảy ra, chỉ đơn giản là chúng ta và họ không bắt được tín hiệu của nhau do không gian và thời gian vũ trụ quá rộng lớn. Hy vọng tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh tốt nhất cho đến giờ vẫn là cố gắng tìm kiếm những thông điệp được gửi đi có chủ đích của họ.
Nếu người ngoài hành tinh cố ý gửi một tin nhắn cho chúng ta, họ phải tìm cách sao cho chúng ta có thể hiểu được, không thể nào mã hóa quá khó để chúng ta nhận được nhưng không đọc được.
Tín hiệu từ Trái Đất
Ở chiều ngược lại cũng vậy. Năm 1974, các nhà khoa học đã gửi "thông điệp Arecibo" từ kính thiên văn vô tuyến Arecibo đặt ở Puerto Rico ra ngoài vũ trụ.
Đây là một chương trình phát sóng dài ba phút, dung lượng 1.679 bit, gồm 73 dòng được tạo thành từ 23 ký tự, biểu diễn các số từ 1-10, nguyên tử số của vài nguyên tố quan trọng với sự sống trên Trái Đất, thông tin về AND, hình dạng con người, đồ họa về hệ Mặt Trời và hình ảnh của kính thiên văn.
Chỉ có hai số nguyên tố khi nhân với nhau cho kết quả 1.679 là 73 và 23. Theo Vakoch thì nếu người ngoài hành tinh có thể thu được sóng vô tuyến, họ phải biết về toán học. Họ có thể không hiểu hết nội dung tin nhắn, nhưng có thể họ sẽ nhận ra các dạng đối xứng trong hình ảnh khi khôi phục lại, giúp họ nhận ra mình đã đúng khi sắp xếp chúng.
"Chúng tôi muốn tạo ra một dạng phản mật mã, một tin nhắn có thể dễ dàng giải mã", Vakoch nói. Gói tín hiệu này được gửi đi gửi lại nhiều lần, để chắc chắn rằng không có phần thông tin nào bị mất trong quá trình gửi.
Ngoài phương pháp dùng sóng vô tuyến, SETI còn đang tiến hành các thí nghiệm tìm kiếm sự sống ngoài không gian bằng các bức xạ khác như ánh sáng nhìn thấy hay hồng ngoại. Tuy nhiên, sóng hồng ngoại không truyền được xa như vô tuyến, lại tốn kém hơn.
Trên lý thuyết, còn có thể xác định một hành tinh có sự sống hay không bằng cách quét toàn bộ bầu khí quyển phía ngoài. Phương pháp này chưa thể thực hiện do các giới hạn về công nghệ.
Nếu một hành tinh có sự sống thì khí quyển của nó sẽ có các loại khí phi tự nhiên. Ví dụ như ở Trái Đất, con người đã thải vào khí quyển khí CFC (chất làm lạnh) trong nhiều thập kỷ, trước khi nhận ra tác hại của nó với tầng ozone và tìm cách cắt giảm, hay sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải quá nhiều CO2 vào khí quyển. Dù chỉ với nồng độ CO2 cao thì chưa thể khẳng định hành tinh có sự sống, như ở sao Kim.
Cũng có thể phát hiện sự sống nhờ vào bức xạ nhiệt dạng hồng ngoại phát ra từ một hành tinh nào đó. Nếu có một nền văn minh thì có khả năng bức xạ hồng ngoại từ hành tinh đó sẽ ở mức cao hơn bình thường. Tuy nhiên, công nghệ hiện tại của con người chưa cho phép xác định lượng hồng ngoại của một hành tinh. Chúng ta chỉ có thể xác định được lượng hồng ngoại phát ra từ một ngôi sao.
Có một cơ sở nữa phản bác các lập luận của Snowden. Một nghiên cứu công bố vào năm 2013 ước tính khoảng 22% các ngôi sao có những hành tinh nằm ở khoảng cách phù hợp cho sự sống xuất hiện như Trái Đất. Sự sống có thể ở bất cứ nơi đâu trong vũ trụ, và con người luôn có cơ hội tình cờ phát hiện ra những nền văn minh khác.